Đề xuất nghiên cứu thuế để điều tiết bất động sản
Bộ Tài chính được đề nghị nghiên cứu giải pháp về thuế để điều tiết, chống đầu cơ bất động sản và báo cáo Chính phủ trong tháng 9.
Nội dung này nêu tại dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Chính phủ tại phiên họp Chính phủ với các địa phương, ngày 4/7.
Các giải pháp dự thảo Nghị quyết đưa ra tập trung vào kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư, thu hút vốn FDI và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, cũng như hỗ trợ dòng tiền, cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó, về chính sách hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng tiếp cận vốn, Bộ Tài chính được đề nghị khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 7. Các giải pháp, chính sách thuế để điều tiết, phát triển bền vững thị trường bất động sản cũng cần được Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 9.
Góp ý trước đó, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời hạn vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; bỏ nhiệm vụ nghiên cứu báo cáo Chính phủ trong tháng 9 giải pháp về thuế với bất động sản.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư – cơ quan soạn thảo nghị quyết – cho rằng, việc tháo gỡ pháp lý, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để khơi thông dòng tiền trong nền kinh tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trung, dài hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các chính sách tháo gỡ cho thị trường trái phiếu vừa qua hiệu quả (Nghị định 08/2023, Thông tư 03/2023), nên cần kéo dài nếu cần thiết, tránh tạm dừng chính sách trong thời gian xem xét, sửa các quy định liên quan.
Với thuế bất động sản, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lúc này cần nghiên cứu, báo cáo Chính phủ các giải pháp này để điều tiết, phát triển bền vững thị trường, chống đầu cơ bất động sản trong trung và dài hạn. Do đó, Chính phủ cần giao Bộ Tài chính sớm nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chính sách thuế để điều tiết thị trường từng được giới chuyên gia, hiệp hội đề xuất cách đây vài năm. Quá trình lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hồi đầu năm, có ý kiến đề nghị đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên để tránh đầu cơ. Bộ Tài nguyên Môi trường – cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này cho biết sẽ tiếp thu, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu khi sửa luật về thuế.
Hồi đầu tháng 2, một số chính sách thuế mới liên quan bất động sản như áp thuế với người lưới sóng, đánh thuế riêng nhà và đất từng được các cơ quan quản lý nêu trong lộ trình sửa Luật Thuế bất động sản và Thuế thu nhập cá nhân, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2024 – 2025. Theo đó, người lướt sóng bất động sản dự kiến chịu mức thuế suất trên 2%; thuế nhà chung cư sẽ được tính cả nhà và đất, nhà đất bỏ hoang bị áp thuế cao…
Cũng theo dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính được đề nghị tính toán thời hạn, phương thức huy động vốn, phát hành trái phiếu Chính phủ theo tiến độ thu – chi, giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng; và nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ chi phí năng lượng như điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh từ ngân sách.
Để khơi thông dòng tiền, Ngân hàng Nhà nước cần bảo đảm thanh khoản, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm mặt băng lãi suất cho vay, đơn giản thủ tục cho vay và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát, kiến nghị sửa, bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong tháng 12. Các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn về phòng cháy chữa cháy, sửa đổi tiêu chuẩn nước thải nuôi trồng thủy sản trong tháng 7 và giảm tối đa thanh tra chưa cần thiết (gồm thanh tra chuyên ngành) cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào vận hành các dự án công nghiệp và năng lượng lớn; xây dựng chiến lược, đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp năng lượng hydrogen.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn của dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO) giai đoạn 2; đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu trước mắt, lâu dài.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ cũng đưa ra nhiệm vụ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng đùn đầy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc. Theo đó, Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong tháng 9 và có cơ chế xử lý với cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, giảm một nửa phí công đoàn (từ 2% xuống 1%) và giãn thời hạn nộp phí này năm 2023. Tổng liên đoàn cũng cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Sáu tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản hồi đầu năm (6,2%). Sản xuất kinh doanh khó khăn, sức chống chịu doanh nghiệp đã tới hạn, tạo thách thức lớn để tồn tại, duy trì hoạt động.
Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có các giải pháp mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và củng cố rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế.